Số quyết định: 4101/QĐ-UBND ngày 31/12/2020
Địa chỉ công nhận: Ấp La Bang Chùa, xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh
Loại hình di tích: Di tích lịch sử
SLA PANG – NGÔI CHÙA GIÀU TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG
Cũng như nhiều ngôi chùa Phật giáo Nam Tông Khmer khác trong tỉnh, chùa Sla Pang có quần thể kiến trúc mang đặc trưng chùa Khmer Nam Bộ. Chùa được xây dựng năm 1856 theo phật lịch 2399, hiện tọa lạc tại ấp La Bang Chùa, xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh trên phần đất có tổng diện tích là 3 ha do phật tử hiến tặng. Từ ngày xây dựng đến nay, chùa đã trải qua 9 đời sư cả: Trụ trì chùa đầu tiên là sư cả Thạch Mây; Sư cả Thạch Lích; Sư cả Trần Khét; Sư cả Sơn Hiêm; Sư cả Thạch Yêu; Sư cả Thạch KhaMau; Sư cả Sơn Long; Sư cả Thạch Cao; Sư cả Thạch Suône năm 1957 đến 1989; Sư cả Thạch Lone từ năm 1989 đến nay. Năm 1948, ta mở chiến dịch La Bang, kết thúc chiến dịch ta đã giành thắng lợi, thế nhưng ngôi chùa hư hỏng hoàn toàn. Năm 1949 chùa Sla Pang được xây dựng lại cách nền chùa cũ khoảng 100m.
Từ những năm đầu thực dân Pháp chiếm đóng và đặt ách thống trị, ở Trà Vinh đã khởi phát các phong trào khởi nghĩa vũ trang chống quân xâm lược đã được quần chúng hưởng ứng tích cực. Mặc dù các hoạt động yêu nước chống Pháp giai đoạn này chưa đem lại kết quả như mong muốn, song qua đấu tranh đã lộ rõ tinh thần yêu nước của nhân dân, tập hợp và hình thành một lực lượng quần chúng đấu tranh có tổ chức. Chùa Sla Pang đã sớm tham gia phong trào yêu nước đấu tranh đòi dân sinh dân chủ. Khi cán bộ cách mạng về địa phương, sư cả Thạch Cao đã chủ động tiếp ứng nuôi chứa cán bộ và tích cực tuyên truyền giác ngộ cho sư sãi phật tử tinh thần yêu nước đồng thời tham gia biểu tình, mít tinh đòi dân sinh dân chủ…, mở rộng mạng lưới thông tin cho cách mạng hoạt động. Ngoài ra, sư còn vận động phật tử tích góp lúa gạo nuôi chứa cán bộ, giúp cho cách mạng địa phương phát triển nhanh chóng. Đến năm 1946 thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta, chúng biết được xã Đôn Châu là vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, do đó thực dân Pháp luôn tìm mọi biện pháp để xuyên tạc, gieo rắc tâm lý kì thị dân tộc, tôn giáo nhằm gây chia rẽ tình đoàn kết giữa các dân tộc Kinh – Khmer – Hoa. Giai đoạn này sư cả Thạch Cao tích cực tuyên truyền, vạch trần, giải thích cho bà con nhận thức rõ âm mưu thâm độc gây chia rẽ của chúng. Sư cả Thạch Cao cùng các vị sư sãi của chùa Sla Pang trở thành trung tâm đoàn kết dân tộc trong vùng và cho đào hầm trú ẩn nuôi chứa cán bộ trong chùa, sử dụng trần chính điện làm nơi trú ẩn cho cán bộ khi địch bố ráp và hỗ trợ các cán bộ di chuyển bí mật trong địa phương, đồng thời tham gia việc thông tin liên lạc, chủ động tổ chức hội họp bàn bạc kế hoạch, nơi khởi phát các phong trào đấu tranh chính trị mà còn đóng góp lương thực cho cách mạng cùng góp phần xây dựng một đội ngũ chính trị, làm chỗ dựa vững chắc cách mạng. Giai đoạn này, chùa trở thành địa điểm quan trọng giúp cán bộ nắm bắt, truyền tải các thông tin quan trọng của địa phương. Nhà chùa đã cho đào hầm trong khuôn viên chùa để làm nơi trú ẩn cho các cán bộ cách mạng, nuôi chứa nhiều cán bộ và móc nối với đồng chí Sơn Thời – nguyên Thiếu úy công an là thân phụ của nguyên Trung tướng Sơn Cang – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II Bộ Công an. Đồng chí Sơn Thời ngày thì làm lính trong đồn La Bang, đêm thì làm Việt Minh đã lên kế hoạch lấy cắp đạn từ trong đồn ra bên ngoài cho cách mạng, đồng thời vận động anh, em trong vùng tham gia chống Pháp như: đồng chí Huỳnh Văn Hỏi, thân phụ của ông Huỳnh Kháng, đồng chí Mười Chuẩn, Nguyễn Văn Sáu (Út Mái) làm Giao Bưu tỉnh…, Sư cả.
Hưởng ứng lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, xã Đôn Châu tham gia với huyện gửi “tối hậu thư” đến Huyện hàm là Ban biện Trần Học Tốt yêu cầu nộp súng đầu hàng Việt Minh. Trong đêm 28 và ngày 29/12/946, đông đảo sư sãi, phật tử chùa Sla Pang tham gia cùng lực lượng các xã kéo lên quận biểu tình, mít tinh, biểu dương khí thế, áp đảo bọn tề xã Ngãi Xuyên và bọn Quận Chỉ. Đến 31/12/1946 ta giải phóng hoàn toàn Trà Cú, là huyện đầu tiên của Tây Nam Bộ tự lực giải phóng và ngày này trở thành ngày truyền thống của huyện.
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, các vị sư cùng bà con phật tử chùa Sla Pang bất chấp hiểm nguy đã đùm bọc, chở che, nuôi chứa, bảo vệ nhiều đồng chí cán bộ đến hoạt động an toàn. Nhà chùa và bà con phật tử đóng góp nhiều của cải vật chất như tiền bạc, lúa gạo cho cách mạng, cùng góp phần xây dựng một đội ngũ chính trị, làm chỗ dựa vững chắc cho Đảng.
Bước sang giai đoạn chống Mỹ, sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, lực lượng cách mạng tập kết ra Bắc, Mỹ đã can thiệp và nhảy vào xâm chiếm nước ta. Chúng bắt đầu đánh phá cơ sở của ta trả thù những gia đình đã từng tham gia kháng chiến. Tuy nhiên, nhiều gia đình phật tử chùa Sla Pang không ngại khó khăn gian khổ, chấp nhận hy sinh để nuôi chứa, bảo vệ cán bộ cách mạng, lúc này, sư Thạch Suône lên làm sư cả chùa Sla Pang đã hiến tiền bạc, lúa gạo, mâm đồng, lư đồng… để chế tạo vũ khí và đã đốn hàng chục cây dầu, cây sao để làm áo quan chôn cất các liệt sĩ hy sinh. Chùa Sla Pang tiếp tục nuôi chứa, bảo vệ cán bộ cách mạng: tiêu biểu là đồng chí Ma Ha Sơn Thông (Mười Tăng), nguyên Khu ủy viên Khu Tây Nam bộ, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc Hội, Thạch Minh Mẫn (Ba Thành), nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh, Trần Lái (Ba Oai), nguyên Trưởng ban Khmer vận tỉnh Trà Vinh, Năm Trung, nguyên Ủy viên Thư ký Ban mặt trận khu Tây Nam Bộ, Lý Thành Ký (Bảy Tính), nguyên Bí thư xã Đôn Châu, Sơn Cơ (Ba Đấu), nguyên Bí thư xã Đôn Châu, Diệp Tấn Mẫu (Chín Bình), Thạch Nhọen Nhựm (Hai Long), Thạch Voi (Hai Voi)…
Sáng ngày 15/9/1960, sư cả Thạch Suône chùa Sla Pang cùng một số sư sãi và thân nhân gia đình của lính ngụy gần cả 100 người kéo đến đồn biểu tình kêu gọi lính đồn bỏ súng về nhà làm ăn. Sau đó tham gia cùng các đoàn biểu tình khác gần 600 quần chúng Kinh – Khmer – Hoa kéo lên tỉnh. Tại trận này, lực lượng ta hy sinh 02 người và khoảng 20 người bị thương trong đó đoàn chùa Sla Pang bị thương 03 phật tử là ông Thạch Tang, Thạch Sương và bà Thạch Thị Tiến.
Phát huy tinh thần Đồng khởi, các vị sư chùa Sla Pang tiếp tục ủng hộ cách mạng, kết hợp với cán bộ hoạt động tại chùa, truyền lửa cách mạng cho phật tử để chống lại chính sách ngu dân, chống lại âm mưu chia rẽ dân tộc thông qua những buổi thuyết pháp. Nhiều tài liệu, truyền đơn được sư cả Thạch Suône cất giấu, phân phát. Đồng thời thông qua các ngày lễ các vị sư đã vận động bà con gom góp vật chất, của cải cùng tiền cúng dường rồi bí mật đem ủng hộ cho cách mạng. Cũng trong thời gian này chùa Sla Pang đã nuôi chứa và bảo vệ an toàn cho các đồng chí như: đồng chí Maha Sơn Thông, Thạch Tua (Ba Tưa), Cao Văn Giàu (Sáu Khẩn), Hồng Văn Ngữ (Bảy Ngữ), Nguyễn Văn Sáu (Út Mái), Sơn Thời, Huỳnh Văn Hỏi, Thạch Con, Thạch Nhiệu Nhiêm…
Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Tiếp theo sau đó, là Mặt trận Dân tộc giải phóng tỉnh Trà Vinh cũng ra đời. Tiếp đó, Mặt trận dân tộc giải phóng huyện Trà Cú được thành lập tại chùa Sla Pang, ấp La Bang Chùa, Đôn Châu gồm 5 đồng chí: Lê Phát Nhiều (Năm Nhiêu) làm Chủ tịch Mặt trận, Kim Tóc Chơn làm Phó Chủ tịch và các Ủy viên Thạch Nhện Nhựm, Cao Văn Biện, Lý Thành Ký ngoài ra còn có sự tham gia của sư sãi và phật tử chùa Sla Pang là Sư cả Thạch Suône và đồng chí Sáu Khẩn.
Trong năm 1964, sư sãi chùa Sla Pang điển hình là sư Kim Sum là Huyện ủy viên (hiện giờ đang sống cùng gia đình tại xã Hòa Thuận) đã giả vờ đi tụng rồi rải truyền đơn. Kẻ thù nghi ngờ nhà chùa nuôi chứa cán bộ nên tăng cường giám sát và thường xuyên đưa lính đến lục soát, đồng thời dùng đủ thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ các sư sãi nhưng bất thành.
Giai đoạn 1967 – 1968, hai bên chùa Sla Pang là đồn địch đóng. Nên tình hình rất căn thẳng. Bất chấp mọi nguy hiểm, sư cả Thạch Suône đã tìm cách đưa đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh vào chùa phục vụ, vận động thanh niên để đi bộ đội, nhằm bổ sung lực lượng cho tiểu đoàn 1, tiểu đoàn 509, tiểu đoàn 512,..
Sau Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, nhiều phật tử chùa Sla Pang đã thoát ly theo cách mạng tham gia trong Tiểu đoàn 512 như: Thạch Sơ Ri, Thạch Chịa, Sơn Ken, Thạch Song, Kim Chờ, Kim Song, Kim Chia…
Trong thời điểm chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, các vị sư cùng bà con phật tử chùa Sla Pang rầm rộ biểu tình thị uy và làm công tác binh vận, phát loa kêu gọi các gia đình vận động chồng, con đang tham gia cho địch về với nhân dân. Đến 17 giờ chiều ngày 30/4/1975, địch nộp súng đầu hàng vô điều kiện, xã Đôn Châu được giải phóng hoàn toàn.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ có nhiều vị sư, phật tử chùa Sla Pang không ngại khó khăn gian khổ, bất chấp hiểm nguy đã nuôi chứa, bảo vệ cán bộ cách mạng; Một số vị sư sãi, phật tử tham gia cách mạng và đã hy sinh như: liệt sĩ Kiêu Mượm, Kiên Cho, Thạch Hu, Thạch Bời, Kim Thiên, Kim Kim, Sơn Chít (Sơn Sông), bảo vệ an toàn các cán bộ tiêu biểu nhất là ông Ma Ha Sơn Thông, nguyên Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc Hội cùng các ông Huỳnh Kháng, Kim Sum, Sơn Thời, Nguyễn Mỏng… Nhiều vị sư, phật tử chùa Sla Pang đã tham gia kháng chiến và đóng góp nhiều của cải vật chất phục vụ cho lực lượng cách mạng. Nhà chùa cho đào rất nhiều hầm bí mật để cho các cán bộ ta trú ẩn như hầm ở phòng sư cả, hầm dưới bàn thờ Phật trong chánh điện… Các tăng xá, sala cũng là nơi sinh hoạt, hội họp của cán bộ cách mạng xã, huyện và tỉnh. Đặc biệt, chùa Sla Pang gắn liền với chiến thắng La Bang đã đi vào lịch sử.
Chùa Sla Pang đã đóng góp một phần vào công cuộc giải phóng đất nước, góp phần vào thành tích chung của trang sử Đảng bộ và nhân dân địa phương, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của xã Đôn Châu nói riêng, của huyện Trà Cú nói chung (nay là xã Đôn Châu thuộc huyện Duyên Hải).
Phát huy thành tích đạt được, sau ngày đất nước thống nhất chùa Sla Pang tiếp tục được tu bổ ngày càng khang trang hơn. Hoạt động tín ngưỡng, lễ hội được phát huy để đáp ứng nhu cầu tâm linh, nhu cầu văn hóa của nhân dân, góp phần cho công cuộc xây dựng quê hương. Chùa tổ chức dạy tiếng Pali cho các em học sinh, đóng góp quỹ an sinh xã hội, tặng quà, sách vở cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn…
Chùa Sla Pang, là một trong những cơ sở tôn giáo giàu truyền thống cách mạng, có nhiều đóng góp cho công cuộc giải phóng dân tộc. Chùa còn là biểu tượng của tình đoàn kết đồng bào giữa 03 dân tộc Kinh – Khmer – Hoa, chống lại âm mưu chia rẽ dân tộc, chia rẽ tôn giáo của kẻ thù.
Với những giá trị về văn hóa, lịch sử, ngày 31/12/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà vinh đã ban hành Quyết định số: 4101/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp Tỉnh Chùa Sla Pang. Việc Chùa Sla Pang được xếp hạng là di tích lịch sử cấp tỉnh góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống dân tộc, giáo dục tinh thần yêu nước, nhất là cho thế hệ trẻ, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân địa phương.
Tài liệu tham khảo
[1] Lịch sử tỉnh Trà Vinh, Tập 2 – Ban Tư tưởng Tỉnh ủy Trà Vinh (1999).
[2] Lịch sử tỉnh Trà Vinh, Tập 3 – Ban Tư tưởng Tỉnh ủy Trà Vinh (2005).
[3] Lịch sử Đảng bộ Trà Cú lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ (1945-1975) – Ban Tuyên giáo Huyện ủy Trà Cú (1999).
[4] Lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Đôn Châu (1930 – 1975) – Ban Chấp hành Đảng bộ xã Đôn Châu (2015).
[5] Phong trào yêu nước của đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh (1930 – 2010) – Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Trà Vinh (2015).
[6] Văn hóa các dân tộc Tây Nam Bộ – Thực trạng và những vấn đề đặt ra – GS.TS Trần Văn Bính, Nxb Chính trị Quốc gia (2004).
Di tích Đình miếu Cồn Trứng
Danh mục di tích dự kiến đề nghị xếp hạng cấp quốc gia
Danh mục di tích dự kiến đề nghị xếp hạng cấp tỉnh
Di tích Đình Long Đức (Thành Hoàng Miếu)
ĐỀN THỜ BÁC – DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ CẤP QUỐC GIA
HỘI THẢO HỒ SƠ KHOA HỌC DI TÍCH CHÙA BHIRAMYARÀJA (CHÙA PHI RÙM SÓC)
HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH DÂNG HƯƠNG TƯỞNG NIỆM BÁC HỒ DỊP LỄ 2/9
BAN QUẢN LÝ DI TÍCH TỈNH TRÀ VINH
Địa chỉ: ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
Email: banquanlyditichtravinh@gmail.com
ditichtravinh@gmail.com
Điện thoại: (0294) 3.855 369
Website: https://banquanlyditichtravinh.vn