Số quyết định: Số 1562/QĐ-UBND ngày 29/8/2012
Địa chỉ công nhận: Ấp Bãi Xào Giữa, xã Kim Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.
Loại hình di tích: Lịch sử
Chùa Chrôi Tansa tọa lạc cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 40km về hướng nam, cách thị trấn Trà Cú khoảng 05km về hướng tây nam thuộc ấp Bãi Xào Giữa, xã Kim Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.
Chùa Chrôi Tansa được tạo lập vào năm 2391 Phật lịch tức năm 1847 dương lịch trong khuôn viên rộng 22.220 m2.
Năm 1940 ông Trần Lái được cha mẹ cho vào chùa Chrôi Tansa tu học và tham gia công tác liên lạc, bảo vệ, nuôi chứa cán bộ trong nhà. Năm 1945, ông chính thức tham gia hoạt động cách mạng với nhiệm vụ là cán bộ tuyên truyền của xã phụ trách thanh niên. Cách mạng tháng Tám thành công ông được phân công làm cán bộ tuyên truyền cấp huyện, đến cuối năm thì được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đầu năm 1946, Hội Ủng hộ bộ đội Isarăk huyện Trà Cú thành lập, đồng chí Trần Lái được phân công giữ chức vụ Hội trưởng làm nhiệm vụ tuyên truyền cho bà con nhận thức âm mưu của kẻ thù, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, huy động sức người, sức của cho công cuộc kháng chiến.
Giữa tháng 12/1946, Chi bộ xã Ngãi Xuyên do đồng chí Văn Công Phải làm Bí thư đến chùa bàn bạc với sư cả Kim Mỹ và chọn chùa làm cơ sở hoạt động bí mật. Tham gia cơ sở cách mạng có sư cả Kim Mỹ cùng một số sư sãi, nhà giáo như: Acha Kim Pơne, Trần Lái, Hồng Vạn Xuân, Hồng Vạn An, Võ Văn Cầm, Võ Văn Chòng, Dương Cửu, Sơn Hunh, Nhan Công. Nhà chùa đã tổ chức dạy giáo lý, chữ pali, phổ thông, song song đó tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng.
Bước sang giai đoạn chống Mỹ cứu nước, từ năm 1954 – 1959 chùa Chrôi Tansa tiếp tục làm hầm bí mật ngay cả trên gác chính điện để nuôi chứa cán bộ cách mạng. Năm 1960, Tỉnh ủy chọn chùa Chrôi Tansa làm trụ sở của Ủy ban Mặt trận giải phóng miền Nam, Acha Lovis Saráth được Tỉnh ủy bầu làm chủ tịch lâm thời.
Trong 06 năm đấu tranh chính trị (1954 – 1960), sư cả Kim Nghét cùng một số sư sãi và Acha không chỉ tổ chức dạy học cho sư sãi, phật tử trong phum sóc mà còn mở các lớp dành cho các vị sư sãi từ các chùa khác trong huyện đến học, nhằm đào tạo lực lượng sư sãi cho các chùa khác đảm nhận công tác nuôi chứa, bảo vệ cán bộ cách mạng.
Giai đoạn 1962 – 1968, địch tăng cường hoạt động càn quét, gom dân lập ấp chiến lược. Trước tình hình đó, sư cả Giang Pháte tiếp tục nuôi chứa và bảo vệ cán bộ ở hoạt động tại chùa như: đồng chí Thạch Minh Mẫn, Thạch Tua, Lâm Phú, Huỳnh Hữu Bằng, Sơn Xuône, Thạch Ly, Kim Khương, Giang Hoài, Thạch Pui, Sơn Chong, Lâm Da, Giang Thanh Liên, Ngô Phát, Nhang Tếch, Dương Cương, Thạch Ri, Ngô Vĩnh Phene, Nhan Xuân Rằng, Thạch Tòng, Kim Nghéte, Dương Cưu, Sơn Diện, Thạch Mét, Diệp Khuyên, Giang Béte…
Năm 1968, địch cho máy bay bắn phá làm hư hỏng một tăng xá và một phần mái chính điện. 06 phật tử Lâm Thị Cút, Diệp Thị Thiên, Diệp Thị Ninh, Giang Thị Lành, Giang Huynh, Sơn Thị Nhỏ chết, 04 phật tử Giang Quây, Ngô Thị Nhỏ, Giang Thị Vẻ, Huỳnh Biên bị thương. Ngay sau đó các vị sư, phật tử chùa tổ chức cuộc biểu tình kéo lên tỉnh lỵ Trà Vinh đưa yêu sách đòi bồi thường thiệt hại buộc chúng phải chấp nhận yêu sách.
Giai đoạn này, nhà chùa tiếp tục đào hầm bí mật nuôi chứa cán bộ và phát động phong trào thanh niên đi tòng quân. 15 vị sư sau khi hoàn tục đã thoát ly theo cách mạng gồm: ông Giang Hoài, Thạch Thông, Ngô Hoàng, Ngô Ene, Giang Hoàng, Thạch Khanh, Giang Liêng, Thạch Ly, Rốc Khên, Giang Phai, Rốc Khuê, Giang Phát, Kim Khương, Ngô Phát và Sơn Rài.
Trong chiến dịch mùa xuân 1975, các vị sư của chùa vận động dân vệ ấp Bãi Xào Giữa, Bãi Xào Dơi giao nộp vũ khí với 13 cây súng. Đặc biệt, các vị sư chùa đã làm lễ cho những binh lính bỏ hàng ngũ ngụy quân vào chùa tu.
Nhiều đồng chí cán bộ được nhà chùa nuôi chứa, bảo vệ trong hai cuộc kháng chiến, sau này đảm nhận trọng trách trong các cơ quan của Đảng và nhà nước tiêu biểu như: ông Maha Sơn Thông- nguyên Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; ông Lâm Phú – nguyên ủy viên Trung ương Đảng, Phó Ban Dân tộc miền núi của Chính Phủ; ông Trần Lái – Tỉnh ủy viên; ông Thạch Tua – Tỉnh ủy viên; ông Thạch Minh Mẫn – nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh… Nhiều vị sư của chùa sau khi hoàn tục tham gia kháng chiến và đã anh dũng hy sinh như liệt sĩ: Kim Nghéte, Dương Cưu, Giang Hoàng, Rộc Khê, Thạch Khanh, Sơn Rài, Giang Pháte.
Ngày 29/8/2012, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 1582/QĐ-UBND xếp hạng chùa Chrôi Tansa là di tích cấp tỉnh thuộc loại hình di tích lịch sử.
Di tích Đình miếu Cồn Trứng
Danh mục di tích dự kiến đề nghị xếp hạng cấp quốc gia
Danh mục di tích dự kiến đề nghị xếp hạng cấp tỉnh
Di tích Đình Long Đức (Thành Hoàng Miếu)
HỘI THẢO HỒ SƠ KHOA HỌC DI TÍCH CHÙA BHIRAMYARÀJA (CHÙA PHI RÙM SÓC)
HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH DÂNG HƯƠNG TƯỞNG NIỆM BÁC HỒ DỊP LỄ 2/9
TRÀ VINH PHÁT ĐỘNG TRỒNG “VƯỜN BƯỞI NHỚ ƠN BÁC”
ĐẢNG ỦY SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH CHÀO CỜ BÁO CÔNG DÂNG BÁC
BAN QUẢN LÝ DI TÍCH TỈNH TRÀ VINH
Địa chỉ: ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
Email: banquanlyditichtravinh@gmail.com
ditichtravinh@gmail.com
Điện thoại: (0294) 3.855 369
Website: https://banquanlyditichtravinh.vn