Số quyết định: Số 305/QĐ-UBND ngày 02/3/2017
Địa chỉ công nhận: Ấp Cái Đôi, xã Long Khánh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh
Loại hình di tích: Lịch sử
Di tích Đình Khánh Hưng tọa lạc cách thành phố Trà Vinh khoảng 55km về hướng nam, cách huyện Duyên Hải khoảng 12 km về hướng tây thuộc ấp Cái Đôi, xã Long Khánh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
Hiện tại chưa tìm được nguồn tư liệu chính xác để xác định ngôi đình được xây dựng vào năm nào. Tuy nhiên, tại đình còn lưu giữ một sắc thần có niên đại Tự Đức Ngũ niên (1852). Vì vậy ta có thể khẳng định ngôi đình đã có từ trước và đến năm này thì được triều đình sắc phong.
Trước khi Đảng Cộng sản thành lập, đình Khánh Hưng là địa điểm tập trung, xây dựng căn cứ của nghĩa quân Đề Triệu, Nguyễn Xuân Phụng – Đoàn Công Bửu, Lê Tấn Kế – Trần Bình. Đặc biệt, khi phong trào Thiên Địa Hội du nhập vào Việt Nam và đến Trà Vinh từ năm 1911, Ban hội đình có Cả Phan, Quản Tốt, Nguyễn Quang Trung tổ chức nhiều hoạt động yêu nước chống Pháp khá rầm rộ.
Ngày 04/9/1933, Chi bộ xã Long Vĩnh được thành lập, ngay khi ra đời, các đồng chí trong Chi bộ đã trực tiếp đến đình Khánh Hưng bàn bạc với ông Nguyễn Văn Cơ (chánh bái) chọn đình làm cơ sở hoạt động của cách mạng. Từ đây đình Khánh Hưng là nơi thường xuyên tổ chức các cuộc hội họp và nuôi chứa, bảo vệ các đồng chí nòng cốt của Chi bộ Long Vĩnh.
Tháng 5/1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong xã Long Vĩnh được thành lập và đã sử dụng đình làm hội quán để tập hợp lực lượng, mở lớp huấn luyện võ thuật cho thanh niên do ông Tám Công trực tiếp hướng dẫn. Tham gia lớp huấn luyện có nhiều thành viên của Ban hội đình như: Tư Thượng, Năm Thạnh, Mười Thành…
Chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám 1945, ông Trầm Văn Chánh, thành viên trong Ban hội đình đã sử dụng nguồn quỹ của đình đồng thời đến từng nhà dân quyên góp tiền của, lương thực, sau đó giao cho ông Nguyễn Văn Đủ chuyển cho lực lượng cách mạng. Cũng trong thời gian này, Ban hội đình và bà đã nuôi chứa, bảo vệ cán bộ như: đồng chí Đỗ Xuân Quang, Đỗ Công Lao, Đỗ Trật Tự, Lâm Thành Kiên, Lâm Hoàng Cảnh, Lâm Thanh Hồng, Hứa Văn Muôn, Dương Minh Thành, Phan Văn Đáng, Nguyễn Văn Đẹp, Nguyễn Văn Cơ, Nguyễn Trung Lương, Mai Văn Thiết, Lê Phát Nhiêu… bám trụ hoạt động.
Bước sang giai đoạn chống Mỹ, đầu năm 1961 đồng chí Lê Văn Nhiêu, cán bộ Mặt trận tỉnh đã trực tiếp đến đình Khánh Hưng bàn bạc, tổ chức đưa năm người trong Ban hội đình vào tham gia công tác mật gồm: Trần Văn Lược, Nguyễn Văn Nhí, Lê Thành Luông, Lê Văn Hải, Phạm Văn Đậm. Thời gian này, đình tiếp tục tổ chức nuôi chứa nhiều cán bộ và là nơi cất giấu tài liệu, hội họp. Nhiều người là thành viên trong hội đình như ông Trầm Văn Chánh, Lê Văn Khuynh, bà Ngô Thị Tượng tổ chức may cờ, quần áo, mua thuốc men, cung cấp lương thực cho cách mạng.
Năm 1963 địch biết được đình Khánh Hưng là nơi tập hợp nhân dân chống lại chúng, nên thường xuyên lùng sục, bố ráp rồi đốt bỏ ngôi đình. Lúc này, đồng chí Lê Văn Nhiêu đã đưa năm người công tác mật trong Ban hội đình lên chiến trường miền Đông tham gia bộ đội chủ lực. Bốn trong năm đồng chí sau đó đã hy sinh gồm: Nguyễn Văn Nhí, Lê Thành Luông, Lê Văn Hải, Phạm Văn Đậm.
Ngày 22/02/1966, Ban hội đình cùng các vị sư sãi, phật tử chùa Cái Cối và nhân dân trong xã kéo ra khu trù mật Cái Đôi đấu tranh đòi địch không được thảm sát bằng chất độc hóa học, không được hủy diệt môi trường bằng chất khai hoang, không càn quét bắn phá bừa bãi, không được vào chùa bắt lính…
Trong chiến dịch xuân Mậu Thân 1968, ta phát động hai cuộc tấn công vào khu trù mật tại Cái Đôi, quân dân Long Vĩnh đã đào đắp hơn 6.000m chiến hào, phá hàng chục km đường giao thông, tham gia lực lượng này có nhiều thành viên, con em của Ban hội đình tiêu biểu như Nguyễn Văn Ẩn, Nguyễn Văn Nhó, Tăng Văn Vui, Lê Văn Tròn, Ngô Văn Bảy.
Giai đoạn 1973 – 1975, Ban hội đình Khánh Hưng do ông Ngô Văn Hoài làm chánh bái tiếp tục vận động bà con quyên góp tiền của, lúa gạo phục vụ cho kháng chiến, đồng thời tích cực tuyên truyền vận động các gia đình binh sĩ kêu gọi chồng, con em bỏ súng ra hàng.
Qua hai cuộc kháng chiến, đình Khánh Hưng là nơi nuôi chứa nhiều đồng chí cán bộ Long Vĩnh, cán bộ của huyện, tỉnh. Nhiều thành viên trong Ban hội đình đã tích cực tham gia các phong trào cách mạng được Đảng, nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương như: ông Trương Văn Kỷ và các liệt sĩ Trương Văn Khóe, Nguyễn Văn Nhí, Lê Thành Luông, Lê Văn Hải, Phạm Văn Đậm.
Ngày 02/3/2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 305/QĐ-UBND xếp hạng đình Khánh Hưng là di tích cấp tỉnh thuộc loại hình di tích lịch sử.
Di tích Đình miếu Cồn Trứng
Danh mục di tích dự kiến đề nghị xếp hạng cấp quốc gia
Danh mục di tích dự kiến đề nghị xếp hạng cấp tỉnh
Di tích Đình Long Đức (Thành Hoàng Miếu)
HỘI THẢO HỒ SƠ KHOA HỌC DI TÍCH CHÙA BHIRAMYARÀJA (CHÙA PHI RÙM SÓC)
HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH DÂNG HƯƠNG TƯỞNG NIỆM BÁC HỒ DỊP LỄ 2/9
TRÀ VINH PHÁT ĐỘNG TRỒNG “VƯỜN BƯỞI NHỚ ƠN BÁC”
ĐẢNG ỦY SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH CHÀO CỜ BÁO CÔNG DÂNG BÁC
BAN QUẢN LÝ DI TÍCH TỈNH TRÀ VINH
Địa chỉ: ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
Email: banquanlyditichtravinh@gmail.com
ditichtravinh@gmail.com
Điện thoại: (0294) 3.855 369
Website: https://banquanlyditichtravinh.vn