Số quyết định: Số 5399/QĐ-BVHTTDL ngày 29/12/2017
Địa chỉ công nhận: Ấp Ba Se A, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh
Loại hình di tích: Khảo cổ
Di tích Bờ Lũy – Chùa Lò Gạch có tọa độ 90 55’ 3” vĩ bắc – 1060 17’ 45” kinh đông, cách trung tâm thành phố Trà Vinh khoảng 7km về phía tây – tây nam thuộc ấp Ba Se A, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.
Di tích được Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ) và Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Trà Vinh tiến hành thám sát, khai quật năm 2014. Di tích gồm hai loại hình: công trình đất đắp Bờ Lũy và di tích kiến trúc cổ Chùa Lò Gạch.
Di tích Bờ Lũy là công trình vòng đất đắp có kết cấu chính là đường đất đắp cao chạy dài. Hiện tại, nhận dạng rõ nhất gồm ba cạnh ở phía đông, phía nam và phía tây nối với nhau tại các góc đông nam và tây nam, bo cong có chiều dài là 1.433m tạo thành một vòng cung có dạng hình chữ U, bao bọc khoảng 54 – 55 héc ta đất trũng canh tác lúa nước. Đường đất đắp có chiều cao trung bình khoảng 1,5 – 2m, chiều rộng từ 14 – 20m. Tổng chiều dài của phần vòng cung trên địa hình trũng thấp xác định được là 1.285m, phần còn lại nằm trên đất gò nối thẳng về phía chùa Kompong Thmo phân bố trong khu dân cư với nhiều đoạn bị phá vỡ nên thực tế không còn nhận dạng được.
Di tích Chùa Lò Gạch gồm nền móng của 06 kiến trúc bằng gạch có đặc điểm cấu trúc bình đồ, vật liệu và kỹ thuật xây dựng thống nhất với nhau. Về cơ bản, những kiến trúc này có bình đồ hình gần vuông hoặc vuông, quy mô phổ biến trong khoảng 8m – 10m mỗi cạnh (kiến trúc nhỏ nhất có quy mô 4.7m – 5,08m mỗi cạnh), giữa cạnh phía đông có đường dẫn vào trung tâm. Trung tâm có một cấu trúc “hố thờ” xây âm rất đặc sắc. Cụ thể 06 kiến trúc như sau:
Kiến trúc 1 cạnh đông 9,76m, cạnh tây 9,94m, cạnh nam 11,12m, cạnh bắc 9,94m.
Kiến trúc 2 cạnh đông 10m, cạnh tây 10,8m, cạnh nam 11,32m, cạnh bắc 10,87m.
Kiến trúc 3 cạnh đông 7,85m, cạnh tây 7,85m, cạnh nam 7,8m, cạnh bắc 7,93m.
Kiến trúc 4 cạnh đông 9,06m, cạnh tây 9,34m, cạnh nam 10,64m, cạnh bắc 10,52m.
Kiến trúc 5 cạnh đông 4,7m, cạnh tây 4,76m, cạnh nam 4,1m, cạnh bắc 5,05m.
Kiến trúc 6 đã bị phá hư nặng, một phần trong hố khai quật, một phần nằm trên tuyến đường liên thôn ở bên ngoài chân tường bao của chùa. (còn lại một đoạn cạnh đông 3,69m, cạnh nam 3,77m).
Các hiện vật phát hiện trong cuộc khai quật năm 2014 và trước đó gồm: 20 hiện vật bằng kim loại vàng, 01 mảnh vỡ nhỏ của hiện vật bằng đồng thau, 01 mảnh bình gốm, 32 hiện vật gạch có rãnh khắc chìm trên bề mặt và 02 mảnh sa thạch có chế tác thuộc loại hình bệ thờ hoặc bệ tượng, 01 phần bệ thờ lớn, 01 nguyên bản yoni bằng sa thạch hạt mịn, các mảnh cấu kiện cửa bằng đá phiến, 01 bệ yoni.
Trong 20 hiện vật bằng kim loại vàng có hình dáng nguyên vẹn định hình và một số mảnh kim loại vàng được cắt nhỏ, vụn hoặc bị nhàu rách thì có 10 hiện vật có hình chạm khắc thể hiện hình voi, 01 hiện vật hình hoa sen.
Sưu tập hiện vật vàng, vật thờ bằng đá, kỹ thuật chế tác gạch, kỹ thuật xây dựng của di tích Chùa Lò Gạch thể hiện sự kế thừa từ truyền thống văn hóa Óc Eo, tuy nhiên so với giai đoạn trước thì giai đoạn này có sự suy giảm rõ rệt, là sự phản ánh của xu hướng phát triển chung của xã hội văn hóa Óc Eo.
Đặc điểm cấu trúc cùng tính chất và các hiện vật khác đã được phát hiện nơi này trước đây như khung cửa, bệ thờ, yoni… cho thấy những hiện vật đặc biệt này có khả năng là những bộ phần cấu thành rãnh dẫn nước thiêng (somasotra) mà những công trình kiến trúc tôn giáo thuộc phạm trù văn hóa Óc Eo vốn rất phổ biến.
Đặc điểm bình đồ kiến trúc, cấu trúc hố thờ của các kiến trúc ở Chùa Lò Gạch rất gần gũi với di tích kiến trúc phát hiện ở Gò Thành (Tiền Giang), Gò Xoài (Long An). Riêng nhóm hiện vật vàng lá cắt vuông vắn có chạm – khắc hình voi của Gò Thành và Chùa Lò Gạch có sự giống nhau rất cao, là những kiến trúc Phật giáo có niên đại thế kỷ VIII – IX.
Từ kết quả khai quật cho thấy nhóm di tích kiến trúc Chùa Lò Gạch mang những đặc điểm tiêu biểu của truyền thống văn hóa Óc Eo ở miền Tây Nam Bộ với những ảnh hưởng đậm nét từ văn hóa Ấn Độ. Đây là một khu di tích kiến trúc có quy mô lớn, rất đặc sắc, có giá trị cao về mặt khoa học, đặc biệt khi đặt trong không gian văn hóa – lịch sử với các di tích Bờ Lũy và Ao Bà Om cũng như vùng gò – giồng duyên hải Tây Nam Bộ trong không gian văn hóa Óc Eo – hậu Óc Eo.
Ngày 29/12/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 5399/QĐ-BVHTTDL xếp hạng Địa điểm Bờ Lũy – Chùa Lò Gạch là di tích cấp quốc gia thuộc loại hình di tích khảo cổ.
Di tích Đình miếu Cồn Trứng
Danh mục di tích dự kiến đề nghị xếp hạng cấp quốc gia
Danh mục di tích dự kiến đề nghị xếp hạng cấp tỉnh
Di tích Đình Long Đức (Thành Hoàng Miếu)
HỘI THẢO HỒ SƠ KHOA HỌC DI TÍCH CHÙA BHIRAMYARÀJA (CHÙA PHI RÙM SÓC)
HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH DÂNG HƯƠNG TƯỞNG NIỆM BÁC HỒ DỊP LỄ 2/9
TRÀ VINH PHÁT ĐỘNG TRỒNG “VƯỜN BƯỞI NHỚ ƠN BÁC”
ĐẢNG ỦY SỞ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH CHÀO CỜ BÁO CÔNG DÂNG BÁC
BAN QUẢN LÝ DI TÍCH TỈNH TRÀ VINH
Địa chỉ: ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
Email: banquanlyditichtravinh@gmail.com
ditichtravinh@gmail.com
Điện thoại: (0294) 3.855 369
Website: https://banquanlyditichtravinh.vn