Số quyết định: Số 1455/QĐ-UBND ngày 12/9/2011
Địa chỉ công nhận: Ấp Phú Đức 1, xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.
Loại hình di tích: Lịch sử
Di tích đình Phú Đức tọa lạc cách thành phố Trà Vinh khoảng 14 km về hướng tây, cách thị trấn Càng Long khoảng 8 km về hướng đông, thuộc ấp Phú Đức I, xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.
Đình Phú Đức được xây dựng vào đời Minh Mạng, đến năm Tự Đức thứ năm thì nhận được sắc phong. Sau đó ông Trần Văn Huân một quan lại của triều Nguyễn vì bất mãn triều đình về ở ẩn tại Bình Phú đã cùng người địa phương góp kinh phí xây cất lại ngôi đình quy mô, kiên cố.
Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, bà con đình Phú Đức đã tham gia nghĩa quân Đốc binh Lê Cẩn, Nguyễn Giao, phục kích đánh trận Cầu Vông năm 1872 giết được tên tham biện Alix Salicetty.
Khi phong trào Thiên Địa Hội du nhập vào Việt Nam và đến Trà Vinh năm 1911. Tại Bình Phú Thiên Địa Hội do ông Đoàn Văn Huân lãnh đạo hoạt động sôi nổi đã thu hút hàng trăm người tham gia trong đó có bà con Phú Đức. Địa điểm sinh hoạt của tổ chức này là Đình Phú Đức.
Đầu năm 1928, đồng chí Dương Quang Đông đến Bình Phú gặp ông Nguyễn Văn Vàng để tập họp thanh niên và thành lập tổ chức là Nông Hội Đỏ do ông Nguyễn Văn Vàng người của hội đình làm hội trưởng.
Mùa xuân năm 1930, ở địa bàn Bình Phú việc thành lập chi bộ Đảng cũng được xúc tiến khẩn trương. Các đồng chí được phân công về đây đã tìm đến tổ chức Nông Hội Đỏ của ông Nguyễn Văn Vàng chọn người đưa vào làm nồng cốt trong các hội Tương Tế, hội Ái Hữu. Sau một thời gian chọn ra một số thanh niên trong Nông Hội Đỏ, hội Tương Tế, hội Ái Hữu như đồng chí Nguyễn Văn Vàng, đồng chí Tư Chanh, đồng Chí Hiến, đồng chí Giáo Hóa… đã thành lập Chi bộ Đảng Bình Phú vào tháng 6/1930 do đồng chí Nguyễn Văn Vàng làm Bí thư.
Chi bộ ra đời ngay sau đó đã phát động nhân dân đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ. Đình Phú Đức giai đoạn này nuôi chứa, bảo vệ các đồng chí trong Xứ ủy Nam Kỳ như đồng chí Vũ Hoàng, đồng chí Ba Nam, đồng chí Ban.
Trong phong trào đấu tranh dân chủ 1936 -1939, tại Bình Phú Ủy ban hành động được thành lập, trong Ủy ban có đồng chí Đỗ Phú Hữu người của hội đình. Ủy ban mở một quán sách tại chợ Bình Phú, do đồng chí Nguyễn Văn Cúc cũng là người của hội đình trực tiếp quản lý để tuyên truyền chủ nghĩa Mác -Lênin, đường lối của Đảng.
Chuẩn bị cho Nam Kỳ khởi nghĩa năm 1940, ngoài việc vận động bà con mua vải để may băng cờ, tổ chức rèn gươm, mã tấu còn lập ra đội du kích mật rước thầy Huỳnh Kim Nguyên về dạy võ tại sân đình.
Tháng 5/1945, tổ chức Thanh niên Tiền phong ra đời. Tại đình Phú Đức, hương văn Huỳnh Kim Nguyên và ông Nguyễn Đức Quan – Đội trưởng Đội Thanh niên Tiền phong tổ chức luyện tập võ thuật cho thanh niên tại sân đình. Đội có những người của hội đình như: Lê Văn Điền, Nguyễn Văn Hiền, Nguyễn Văn Tươi, Huỳnh Văn Hoàng, Nguyễn Văn Bài, Nguyễn Văn Biển, Nguyễn Văn Oanh, Trần Văn Cứ, Nguyễn Văn An, Nguyễn Tấn Lực, Bùi Văn Đẩu, Nguyễn Văn Gương…
Cách mạng tháng Tám nổ ra, ngày 24/8/1945, khoảng 250 lực lượng ở Phú Đức trong đó có những người con của đình tham gia kéo về Trà Vinh, Càng Long và Bình Phú tham gia cướp chính quyền.
Cuối năm 1946, tự vệ chiến đấu xã Bình Phú phối hợp với lực lượng Vệ quốc đoàn đóng tại đình Phú Đức phục kích đánh địch tại bến đò Long Thuận thu nhiều chiến lợi phẩm đem về đình cất giữ. Trong 9 năm trường kỳ kháng chiến chống Pháp, đình Phú Đức là nơi đồng chí Vũ Đình Liệu (Tư Bình) – nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tới lui để nắm bắt tình hình, theo dõi chỉ đạo. Năm 1970, khi căn cứ Thành ủy Sài Gòn – Gia Định về đóng trên địa bàn, đồng chí Mai Chí Thọ là Phó Bí thư, sau này là Đại tướng Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đã thường xuyên về đình.
Tháng 3/1969, địch mở màn chiến dịch cho máy bay ném bom rải thảm xuống các xã cánh B Càng Long, trong đợt ném bom này đình Phú Đức đã bị bom Mỹ đánh sập. Sau đó bà con sửa chữa lại tiếp tục thờ cúng.
Ngày 12/9/2011, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành quyết định số 1455/QĐ-UBND xếp hạng đình Phú Đức là di tích cấp tỉnh thuộc loại hình di tích lịch sử.
Di tích Đình miếu Cồn Trứng
Danh mục di tích dự kiến đề nghị xếp hạng cấp quốc gia
Danh mục di tích dự kiến đề nghị xếp hạng cấp tỉnh
Di tích Đình Long Đức (Thành Hoàng Miếu)
Ao Bà Om vinh dự lọt top 50 điểm du lịch hấp dẫn TP.HCM và ĐBSCL
ĐẠI HỘI CHI BỘ BAN QUẢN LÝ DI TÍCH (NHIỆM KỲ 2025-2027)
BAN QUẢN LÝ DI TÍCH TỈNH TRÀ VINH
Địa chỉ: ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
Email: banquanlyditichtravinh@gmail.com
ditichtravinh@gmail.com
Điện thoại: (0294) 3.855 369
Website: https://banquanlyditichtravinh.vn