Số quyết định: Số 1824/QĐ-UBND ngày 13/9/2018
Địa chỉ công nhận: Khóm 5, thị trấn Định An (trước 2008 thuộc xã Định An), huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh
Loại hình di tích: Lịch sử
Di tích chùa Phnô Sanke Thmây còn gọi là chùa Mé Láng tọa lạc cách thành phố Trà Vinh khoảng 50km về hướng Nam, cách thị trấn Trà Cú khoảng 5km, thuộc khóm 5, thị trấn Định An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.
Ngôi chùa được tạo lập vào năm 2446 Phật lịch tức năm 1902 dương lịch trong khuôn viên rộng hơn 70.000m2. Từ những năm đầu chống Pháp, chùa Phnô Sanke Thmây là cơ sở của cách mạng.
Ngày 25/8/1945, sư sãi, phật tử chùa đã dùng gậy gọc, tầm vông vạt nhọn tham gia nổi dậy biểu tình thị uy rầm rộ tiến về trung tâm xã biểu tình buộc tề xã Đại An giao chính quyền cho cách mạng.
Giữa năm 1946, Chi bộ Đại An được thành lập, đồng chí Năm Đạt – Bí thư Chi bộ đã đến chùa bàn bạc với sư cả Trầm Phước Tụy chọn chùa làm cơ sở hoạt động hợp pháp, làm nơi nuôi chứa cán bộ cách mạng và tổ chức vận động các vị sư sãi, quần chúng tham gia đấu tranh.
Những năm 1947 – 1954, sư cả Trầm Phước Tụy đã kêu gọi nhiều gia đình phật tử như: Hai Hựu, Tăng Thị Tạo, Hai Kim, Năm Điều tham gia hũ gạo nuôi quân, đóng góp lúa gạo cho lực lượng cách mạng. Lúa gạo được tập trung tại chính điện chùa rồi chuyển giao cho lực lượng cách mạng.
Từ năm 1954 -1959, nhà chùa đã làm hầm dưới bàn thờ Phật ở chính điện, trong sa la để nuôi chứa cán bộ cách mạng như: đồng chí Trần Lái, Thạch Tua, Trần Văn Thành, Thạch Khen, Tư Dời, Cao Văn Biện, Bảy Búa, Sáu Sở…
Nhân dịp lễ Sênê Đôlta năm 1960, sư cả Trầm Phước Tụy đã kêu gọi tất cả các vị sư đang tu tại chùa cùng một số phật tử gần 30 người tham gia đoàn biểu tình kéo về tỉnh lỵ Vĩnh Bình đưa yêu sách đòi thả ngay Acha Lovis Saráth, Maha Phơ, chống bắt sư sãi, chống chế độ Ngô Đình Diệm.
Năm 1961, địch tăng cường các hoạt động hành quân càn quét, gom dân để lập ấp chiến lược, chùa lúc này tiếp tục nuôi chứa và bảo vệ các cán bộ như: Ma ha Sơn Thông, Trầm Phước Thiện, Trần Lái, Thạch Minh Mẫn, Lâm Thái Bình, Lý Văn Đường, Lưu Tấn Phát, Trần Văn Vui, Thạch Tua, Nguyễn Văn Trung, Tư Lợi, ông Dõi.
Năm 1964, địch cho phi cơ oanh kích khu vực chùa làm một số phật tử chết và bị thương. Trước tình hình này, sư cả Trầm Phước Tụy đã kêu gọi nhân dân, phật tử ở ấp Mé Láng vào chùa trú ẩn tránh thương vong. Ngày 01/5/1964, địch cho máy bay ném bom, ngôi chùa bị hư hỏng nặng, 2 người chết, 26 người bị thương trong đó có 9 vị sư và 6 thiếu niên.
Ngày 06/5/1964, sư cả tổ chức sư sãi, phật tử biểu tình, mang theo xác người chết đến tề xã, lên quận, tỉnh đòi bồi thường tính mạng, tài sản…Trong đợt biểu tình này đã huy động hơn 40 ngàn lượt người, trong đó có trên 400 vị sư của các chùa Khmer trong huyện và các huyện lân cận tham gia.
Ngày 11/5/1969, địch lại cho máy bay thả bom làm chánh điện bị sụp đổ, 4 vị sư Lâm Đường, Lâm Prụm, sư Khlăng, sư Uội hy sinh, 8 phật tử chết, 03 người bị thương trong đó có sư Thạch Ngọc Viên.
Ngày 30/4/1975, Huyện ủy Trà Cú chỉ đạo các xã trong huyện huy động mọi lực lượng để tiếp quản chính quyền. Các vị sư, bà con phật tử chùa Phnô Sanke Thmây do đồng chí Hai Chiến chỉ huy tham gia công tác binh vận, phát loa kêu gọi các gia đình vận động chồng con đang tham gia cho địch buông súng đầu hàng.
Trong hai cuộc kháng chiến chùa Phnô Sanke Thmây đã nuôi chứa, bảo vệ nhiều cán bộ cách mạng của xã, huyện, tỉnh và khu Tây Nam Bộ, tiêu biểu như: Ma ha Sơn Thông – nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh, Ủy viên Ủy ban Trương ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lâm Sắc; ông Thạch Minh Mẫn – nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh; Trần Lái – nguyên Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Khmer vận; Thạch Tua – Tỉnh ủy viên, Phó Ban Khmer vận; Chín Bình – Ban Binh vận tỉnh; Lưu Tấn Phát, Trần Văn Vui, Nguyễn Văn Trung, Mã Biết, Trần Văn Ngẫu, Tô Văn Lạc, Lâm Thái Bình, Nguyễn Phải, Châu Ngọc Son, Châu Văn Khải, Trầm Phước Thiện, Tư Chơi, Sơn Lai…
Ngày 13/9/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 1824/QĐ-UBND xếp hạng chùa Phnô Sanke Thmây là di tích cấp tỉnh thuộc loại hình di tích lịch sử.
Di tích Đình miếu Cồn Trứng
Danh mục di tích dự kiến đề nghị xếp hạng cấp quốc gia
Danh mục di tích dự kiến đề nghị xếp hạng cấp tỉnh
Di tích Đình Long Đức (Thành Hoàng Miếu)
ĐỀN THỜ BÁC – DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ CẤP QUỐC GIA
HỘI THẢO HỒ SƠ KHOA HỌC DI TÍCH CHÙA BHIRAMYARÀJA (CHÙA PHI RÙM SÓC)
HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH DÂNG HƯƠNG TƯỞNG NIỆM BÁC HỒ DỊP LỄ 2/9
BAN QUẢN LÝ DI TÍCH TỈNH TRÀ VINH
Địa chỉ: ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
Email: banquanlyditichtravinh@gmail.com
ditichtravinh@gmail.com
Điện thoại: (0294) 3.855 369
Website: https://banquanlyditichtravinh.vn