Số quyết định: Số 1823/QĐ-UBND ngày 13/9/2018
Địa chỉ công nhận: ấp Sóc Chà B, xã Thanh Sơn (trước 1994 thuộc xã Ngãi Xuyên), huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh
Loại hình di tích: Lịch sử
Chùa Krapoumchhouk Chral-Char còn gọi là chùa Chà tọa lạc cách thành phố Trà Vinh khoảng 37km về hướng Nam, cách thị trấn Trà Cú khoảng 4km về hướng Đông, thuộc ấp Sóc Chà B, xã Thanh Sơn, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Ngôi chùa được xây dựng vào năm 2296 Phật lịch tức năm 1752 dương lịch. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, Huyện ủy Trà Cú chủ trương vận động sư sãi trong các chùa làm cơ sở cho cách mạng, trong đó có sư cả Sơn Lêk cùng các sư sãi, phật tử chùa Krapoumchhouk Chral-Char.
Trong cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, tại chùa Chà sư cả Sơn Lêk đã trực tiếp kêu gọi nhiều vị sư đang tu tại chùa cùng với lực lượng Thanh niên Tiền phong, quần chúng nhân dân xã Ngãi Xuyên dùng các loại vũ khí thô sơ tham gia nổi dậy kéo về dinh quận buộc tên quận trưởng Trần Ngọc Báu giao chính quyền cho cách mạng.
Ngay sau khi chính quyền cách mạng lâm thời được thành lập, sư cả Sơn Lêk đã cùng nhiều phật tử của chùa hỗ trợ giúp đỡ nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, giao một phần đất của chùa cho phật tử canh tác. Bên cạnh đó, nhà chùa còn mở trường dạy học giáo lý, pali và các lớp phổ thông. Thông qua các lớp học này, các vị sư và cán bộ cơ sở đã tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, giải thích âm mưu thâm độc của kẻ thù, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần cách mạng. Nhà chùa còn thành lập đội văn nghệ Khmer để tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của cách mạng đến với quần chúng nhân dân.
Giai đoạn 1946 – 1954, Chi bộ xã Ngãi Xuyên tiếp tục chọn chùa làm cơ sở hoạt động, làm nơi nuôi chứa cán bộ cách mạng và tổ chức vận động các vị sư sãi, quần chúng tham gia biểu tình chống bắt lính, đòi giảm tô, giảm thuế. Nhà chùa nuôi chứa, bảo vệ nhiều đồng chí cán bộ trú ẩn tại đây hoặc lui tới hoạt động như: Trần Lái (Ba Oai), Văn Công Phải, Lâm Tuyên Bố…
Trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, hưởng ứng phong trào Đồng khởi ngày 14/9/1960, sư cả Kim Sóc đã kêu gọi các vị sư đang tu tại chùa và bà con phật tử gồm 40 người trong đó sư cả Kim Sóc, Thạch Sa Me, Kim Lương, Kim Sa Rinh, Thạch An làm nồng cốt tham gia cùng lực lượng biểu tình của tỉnh kéo về tỉnh lỵ Vĩnh Bình đấu tranh đòi thả ngay Acha Lovis Saráth, Maha Phơ, chống bắt sư sãi, chống chế độ Ngô Đình Diệm, chống luật 10/59, đòi được tự do đi lại, tự do học hành, tự do hội họp và lập hội.
Giai đoạn 1961 -1965, sư cả Kim Sa Rinh vận động quần chúng vào chùa để hình thành phong trào chống bắt sư sãi và thanh niên đi lính, đồng thời vận động bà con phật tử đóng góp lúa gạo phục vụ kháng chiến.
Chuẩn bị cho đợt Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, các vị sư chùa như: Kim Sa Rinh, Thạch An… đã tích cực tuyên truyền vận động các gia đình binh sĩ kêu gọi chồng, con em bỏ súng ra hàng.
Giai đoạn năm 1970 – 1975, chùa Chà tiếp tục mở trường dạy học giáo lý, pali và các lớp phổ thông. Đặc biệt, các vị sư và A-char của chùa còn mở lớp học dành cho các vị sư sãi từ các chùa khác trong huyện đến học tập, nhằm đào tạo lực lượng sư sãi đảm nhận công tác nuôi chứa, bảo vệ cán bộ cách mạng cho các chùa khác trong huyện Trà Cú và các huyện khác trong tỉnh. Ngày 20/02/1975 địch tập trung lực lượng do tên quận trưởng trực tiếp chỉ huy bao vây chùa để bắt các vị sư đi lính. Ngay lập tức, ngày 21/02/1975 sư sãi, phật tử của hơn 30 chùa trong huyện Trà Cú đã kéo về chùa Chà để đấu tranh. Địch ném lựu đạn vào đoàn sư sãi làm chết hai vị sư Dương Sốc và Kim Sum, làm bị thương sư Kim Nụ, Thạch Pinh. Sư sãi, phật tử đánh trả làm chết tên Thiếu úy Ân – Phân chi khu trưởng Ngãi Xuyên, làm bị thương 13 tên khác, trong đó có 01 tên đại úy Vùng 4 chiến thuật.
Ngày 29/4/1975, ta công kích đồn Sóc Chà, sư cả Kim Sa Ri phát loa kêu gọi binh lính ra hàng về với nhân dân.
Trong hai cuộc kháng chiến, có nhiều đồng chí cán bộ cách mạng đã được nhà chùa nuôi chứa và bảo vệ như: Trần Lái, Văn Công Phải, Lâm Tuyên Bố, Tạ Thành Nghĩa, Kim Giàu, Cao Văn Thứ, Kim Nghét… Một số vị sư, phật tử đóng góp nhiều cho cách mạng như: liệt sĩ Dương Sốc, liệt sĩ Kim Sum, sư cả Sơn Lêk, sư cả Kim Vọng, sư cả Thạch Hong, sư cả Thạch Tốt, sư cả Kim Sóc, đại đức Thạch An, Hòa thượng Kim Sa Ri, Hòa thượng Kim Hương, Kim Nụ, Thạch Pinh, Kim Chane, Diệp Mên, Thạch Chai, Thạch Khênh, Kim Lương, Thạch Paren, Kim Hòa.
Ngày 13/9/2018, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định Số 1823/QĐ-UBND xếp hạng chùa Krapoumchhouk Chral-Char là di tích cấp tỉnh thuộc loại hình di tích lịch sử.
Di tích Đình miếu Cồn Trứng
Danh mục di tích dự kiến đề nghị xếp hạng cấp quốc gia
Danh mục di tích dự kiến đề nghị xếp hạng cấp tỉnh
Di tích Đình Long Đức (Thành Hoàng Miếu)
ĐỀN THỜ BÁC – DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ CẤP QUỐC GIA
HỘI THẢO HỒ SƠ KHOA HỌC DI TÍCH CHÙA BHIRAMYARÀJA (CHÙA PHI RÙM SÓC)
HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH DÂNG HƯƠNG TƯỞNG NIỆM BÁC HỒ DỊP LỄ 2/9
BAN QUẢN LÝ DI TÍCH TỈNH TRÀ VINH
Địa chỉ: ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
Email: banquanlyditichtravinh@gmail.com
ditichtravinh@gmail.com
Điện thoại: (0294) 3.855 369
Website: https://banquanlyditichtravinh.vn