Số quyết định: Số 1127/QĐ-UBND ngày 13/6/2013
Địa chỉ công nhận: Ấp Căn Nom, xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.
Loại hình di tích: Lịch sử
Di tích Chùa Can Snom tọa lạc cách thành phố Trà Vinh khoảng 25km về hướng nam, cách thị trấn Cầu Ngang khoảng 10km về hướng tây thuộc ấp Căn Nom, xã Trường Thọ, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh.
Hiện tại, chưa tìm được tư liệu xác định chùa Can Snom được xây dựng năm nào, tuy nhiên theo lời kể thì chùa được di dời và tạo lập lần thứ ba vào năm 2291 Phật lịch tức 1747 dương lịch trong khuôn viên rộng 74.658 m2.
Ngay những ngày sau Cách mạng tháng Tám 1945, hưởng ứng phong trào “diệt giặc dốt” các lớp bình dân học vụ được tổ chức tại chùa Can Snom. Thông qua những lớp học này, các vị sư sãi cùng cán bộ cơ sở đã tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, giải thích âm mưu của kẻ thù, giáo dục lòng yêu nước cho quần chúng nhân dân.
Tháng 02/1946, thực dân Pháp cho một tiểu đội lính do hai tên Pháp chỉ huy vào chiếm đóng Nhị Trường. Chúng ra sức lôi kéo, xuyên tạc những sự kiện lịch sử để gieo rắc tâm lý kỳ thị, phân biệt trong cộng đồng bào gây nên mâu thuẫn giữa người Khmer và người Kinh. Thời gian này sư cả Lư cùng Ban quản trị đã đến từng hộ dân tuyên truyền, giải thích để bà con hiểu rõ âm mưu thâm độc của kẻ thù. Nhà chùa tích cực tham gia Hội ủng hộ Bộ đội Isarăk xã Nhị Trường do đồng chí Thạch Wọng – Phó Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Hành chánh làm chủ tịch, Achar Sơn Wọng làm thư ký.
Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, sư cả Thạch Tạnh sử dụng chính điện làm nơi tổ chức các cuộc họp của cán bộ xã, huyện, tỉnh để triển khai các chủ trương của Đảng. Các đồng chí Thạch Liệp, Thạch Khriệt, Thạch Chân được nhà chùa chở che, bảo vệ.
Từ năm 1957-1959, đồng chí Thạch Minh Mẫn thường xuyên đến chùa gặp sư cả Thạch Tạnh triển khai tài liệu năm bước công tác cách mạng. Sư cả Thạch Tạnh sử dụng chùa làm nơi ẩn náo cho thanh niên kể cả người Kinh, người Hoa. Từ đây đã xuất phát nhiều cuộc đấu tranh, tiêu biểu là cuộc đấu tranh kéo vào huyện lỵ Cầu Ngang tháng 11/1960. Địch cho nả pháo làm bà Thạch Thị Hai, Sơn Thị Lý tử vong, hai người khác bị thương.
Năm 1967, địch bí mật gài mìn trong khuôn viên chùa làm ba vị sư Thạch Thâm, Thạch Chuông, Thạch Ni tử vong. Năm 1968, địch đã bắn pháo vào chùa làm bà Thạch Thị Xưm người trông nom việc chùa thiệt mạng, nhiều tượng Phật bị hư hỏng.
Tháng 7/1968, khi Đại đội địa phương quân phối hợp cùng du kích xã lập trận địa phục kích tiêu diệt Trung đội dân vệ địch tại Trường Đua – Bông Ven. Trận đánh đã giành thắng lợi, theo kế hoạch đêm sau rút về căn cứ. Nhưng đêm ấy địch đưa Đại hội bảo an cùng biệt kích đánh vào Chông Văn, cho nên một cánh quân của ta buộc phải rút về Căn Nom. Sáng hôm sau, Tiểu đoàn 1 thuộc Sư đoàn 9 của địch yểm trợ tiến về Căn Nom. Đồng chí đại đội trưởng Nguyễn Văn Phát bàn sư cả Thạch Tạnh đưa 27 cán bộ, chiến sĩ và vũ khí lên trần chánh điện trú ẩn. Địch ập đến, điên cuồng lùng sục nhưng không tìm ra dấu vết buộc chúng rút đi.
Giai đoạn 1969-1975, thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy chống địch càn quét bảo vệ căn cứ, trong khuôn viên chùa các hầm bí mật tiếp tục được sử dụng để tránh bom pháo và trú ẩn khi có động. Nhiều cuộc đấu tranh đã diễn ra mà địa điểm tập trung xuất phát tại chùa Can Snom rồi kéo ra xã, lên huyện, lên tỉnh. Trong một cuộc biểu tình địch đã đàn áp và bắt một số sư sãi, phật tử như: Thạch Nụ, Thạch Keo, Thạch Tư, Kiên Thái, Thạch Hớs, Tô Tư, Thạch Khône… tra khảo nhưng không khai thác được gì buộc chúng phải thả về.
Năm 1971, khi địch đưa quân đến bao vây và xông vào chùa bắt lính, sư cả Thạch Tạnh chỉ đạo sư sãi đấu tranh chống lại. Không chỉ trực tiếp đấu tranh tại chùa, tại địa phương, sư sãi của chùa còn tích cực tham gia các cuộc đấu tranh do Ban Khmer vận, Ban Sãi vận huyện, tỉnh tổ chức. Điển hình là cuộc đấu tranh do sư sãi chùa Can Snom làm nồng cốt cùng sư sãi và bà con Khmer huyện Cầu Ngang kéo lên bao vây Trung tâm Tuyển mộ quân dịch của địch ở Trà Vinh giải thoát các nhà sư, thanh niên bị địch bắt.
Bước vào chiến dịch giải phóng Trà Vinh năm 1975, lực lượng dân công Nhị Trường trong đó có nhiều phật tử chùa Can Snom tham gia đào công sự chiến đấu, chuyển lương, tải đạn phục vụ bộ đội tiến công chi khu Cầu Ngang.
Kết thúc hai cuộc kháng chiến rất nhiều sư sãi của chùa sau khi hoàn tục đã tham kháng chiến và anh dũng hi sinh như: liệt sĩ Kim Chon, Sơn Song, Thạch Khương, Thạch Sương, Thạch Suôl, Thạch Hớs, Thạch Phát, Thạch Srúch, Tô Ly, Thạch Chân, Thạch Sa Rương, Kim Rọt, Thạch Sơn, Kiên Ron, Thạch Phun, Thạch Thị Huôn, Thạch Luône, Thạch Thao, Thạch Mung, Thạch Bổn… Riêng sư cả Thạch Tạnh đã được Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất.
Ngày 13/6/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 1127/QĐUBND xếp hạng chùa Can Snom là di tích cấp tỉnh thuộc loại hình di tích lịch sử.
Di tích Đình miếu Cồn Trứng
Danh mục di tích dự kiến đề nghị xếp hạng cấp quốc gia
Danh mục di tích dự kiến đề nghị xếp hạng cấp tỉnh
Di tích Đình Long Đức (Thành Hoàng Miếu)
ĐỀN THỜ BÁC – DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ CẤP QUỐC GIA
HỘI THẢO HỒ SƠ KHOA HỌC DI TÍCH CHÙA BHIRAMYARÀJA (CHÙA PHI RÙM SÓC)
HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH DÂNG HƯƠNG TƯỞNG NIỆM BÁC HỒ DỊP LỄ 2/9
BAN QUẢN LÝ DI TÍCH TỈNH TRÀ VINH
Địa chỉ: ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
Email: banquanlyditichtravinh@gmail.com
ditichtravinh@gmail.com
Điện thoại: (0294) 3.855 369
Website: https://banquanlyditichtravinh.vn