Số quyết định: Số 34 VHQĐ ngày 09/01/1990
Địa chỉ công nhận: Ấp Lưu Cừ II, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.
Loại hình di tích: Khảo cổ
Di tích Lưu Cừ II thuộc ấp Lưu Cừ II, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, được phát hiện vào cuối năm 1985 và tiến hành điều tra, thám sát vào đầu năm 1986; tháng 12/1986, tiến hành khai quật đến tháng 02/1987 kết thúc.
Di tích Lưu Cừ II có kiến trúc bằng gạch dài 31,20m theo hướng Đông Tây, rộng 17,20m theo hướng Bắc Nam, chiều cao còn lại 1,50m (18 lớp gạch). Kiến trúc được xây nổi trên mặt đất phẳng của giồng, không có móng chìm, bình diện hình chữ nhật; có hai móng nổi song hành, có đường gờ ngang phía dưới, có cột giả phía trên, bao quanh ba mặt Đông và Bắc, Nam.
Về mạn Đông hai móng được xây song hành, có những cạnh bẻ góc vuông vắn, cân đối theo đường trục chính Đông Tây; ở giữa xây thành hai bậc thềm và hai tam cấp là đường đi lên kiến trúc; thềm được bó vỉa thành hình dấu ngoặc có hoa văn hình kỷ hà và bông hoa trang trí trên vài viên gạch xây vách móng ngoài. Mặt nền của đền cao khoảng 1,50m (tính từ chân móng đến nền gạch) có dạng hình chữ nhật, được phân biệt thành ba phần. Bên ngoài có hành lang bao quanh ba mặt Tây, Nam, Bắc; phía Đông là sàn gạch (tiền sảnh) nối liền với bậc thềm lên xuống. Phần bên trong hành lang có 14 ô vuông (chỉ tính phần lõm xuống), nằm cách quãng nhau, bao quanh các mạn Tây, Nam, Bắc của kiến trúc trung tâm. Các ô vuông được xây bằng một hàng gạch, bên trong được đổ bằng gạch vụn hoặc lát gạch. Kiến trúc trung tâm có bố cục hình chữ nhật (11.30m x 3.60m), chia làm hai phần: phần phía Đông là nền lát gạch, tiếp nối với tiền sảnh, phía Tây có kiến trúc hình trụ tròn xếp bằng gạch vỡ và gạch nguyên; bên ngoài trụ gạch được lấp đất cát trắng mịn. Phía ngoài kiến trúc lớn, dọc theo mạn Tây, Bắc, Nam có dấu vết 5 kiến trúc hình khối trụ vuông.
Di tích Lưu Cừ II có hai giai đoạn tồn tại sớm muộn khác nhau: giai đoạn đầu xây dựng là nền móng bẻ góc ở trong và các bệ gạch hình khối trụ vông xây ở ba mặt Tây, Nam, Bắc bên ngoài; giai đoạn sau trùng tu tôn tạo là đường móng bẻ góc bên ngoài. Ở giai đoạn này, bố cục kiến trúc giai đoạn trước vẫn được kế thừa và quy mô kiến trúc mở rộng hơn, nhưng những chạm khắc trên gạch kém hơn giai đoạn trước. Gạch xây dựng phổ biến có kích thước 26cm x 15cm x 7cm và 25cm x 16cm x 6cm. Có hai niên đại C14 là 1870 ± 45 BP = năm 85 (thế kỷ I) sau công nguyên và 1460 ± 45 BP = 490 (thế kỷ V) sau công nguyên. Tại di tích đã tìm thấy nhiều hiện vật liên quan đến thần Shiva (01 yoni nhỏ, 01 ngẫu tượng linga – yoni bằng đá thạch anh, 01 linga nhỏ) cùng với những hiện vật liên quan đến các vị thần Hindu khác: tay hai pho tượng bằng đồng, 03 lá vàng dập hình mặt trời, hình ngọn lửa,… Đặc biệt, ngẫu tượng linga – yoni bằng đá thạch anh, kích thước H=2.1cm, R=3.7cm, trọng lượng 150gram, niên đại thế kỷ V – VI sau công nguyên được công nhận là bảo vật quốc gia năm 2016.
Với những hiện vật linga tìm được cùng bề mặt kiến trúc có nhiều ô vuông bàn cờ (Pada), chứng tỏ kiến trúc Lưu Cừ II là đền thần Shiva thể hiện theo kiểu Manduka Mandala mà thần trung tâm là Shiva, xung quanh còn các chư thần, con người và quỷ dữ, là loại đền ngoài trời không mái che (Hypeathral Temple) thuộc văn hóa Óc Eo.
Ngày 09/01/1990, Bộ Văn hóa, Thông tin – Thể thao và Du lịch (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận di tích Lưu Cừ II là di tích cấp quốc gia thuộc loại hình di tích khảo cổ học (phế tích kiến trúc).
Di tích Đình miếu Cồn Trứng
Danh mục di tích dự kiến đề nghị xếp hạng cấp quốc gia
Danh mục di tích dự kiến đề nghị xếp hạng cấp tỉnh
Di tích Đình Long Đức (Thành Hoàng Miếu)
ĐỀN THỜ BÁC – DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ CẤP QUỐC GIA
HỘI THẢO HỒ SƠ KHOA HỌC DI TÍCH CHÙA BHIRAMYARÀJA (CHÙA PHI RÙM SÓC)
HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH DÂNG HƯƠNG TƯỞNG NIỆM BÁC HỒ DỊP LỄ 2/9
BAN QUẢN LÝ DI TÍCH TỈNH TRÀ VINH
Địa chỉ: ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
Email: banquanlyditichtravinh@gmail.com
ditichtravinh@gmail.com
Điện thoại: (0294) 3.855 369
Website: https://banquanlyditichtravinh.vn