Số quyết định: Số 1570 VHQĐ ngày 05/9/1989
Địa chỉ công nhận: Ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, tp. Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
Loại hình di tích: Lịch sử
Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt đời đấu tranh cho độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Đối với đồng bào miền Nam, tình thương của Bác vô cùng thắm thiết không sao nói hết được. Bác đã nhiều lần khẳng định một chân lý bất di bất dịch: “Đồng bào Nam Bộ là dân của nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.(1) Những năm cuối đời, trên giường bệnh Bác vẫn thường hỏi: “Hôm nay miền Nam thắng đâu”.
Sau cuộc tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, địch phản kích điên cuồng, đánh phá ác liệt, tác trắng vùng ven, kìm kẹp gắt gao nội ô. Giữa lúc cuộc kháng chiến ác liệt như thế thì ngày 02 tháng 09 năm 1969 “Đã ngừng đập một quả tim, đã ngừng đập một cánh chim đại bàng”. Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời “Tổn thất này vô cùng lớn lao! đau thương này thật là vô hạn” “Dân tộc ta và Đảng ta mất một vị lãnh tụ thiên tài và một người thầy vĩ đại”.(2)
Trên chiến trường miền Nam trong những ngày đầu Tháng Chín ấy, mọi người đều bàng hoàng khi nhận được tin. Đối với nhân dân miền Nam, chưa một lần được đón Bác vào thăm thì đau thương này thêm gấp bội. Mặc dù bọn Mỹ – Ngụy ngày đêm từ trên máy bay dùng loa phóng thanh báo tin với mục đích hòng làm lung lay ý chí quyết tâm chiến đấu của quân dân ta. Nhưng cách mạng miền Nam vẫn đứng vững và tiến lên, tất cả cùng biến đau thương thành hành động cách mạng.
Ở Trà Vinh nói chung và Long Đức nói riêng, nhiều gia đình người Kinh, người Khmer khi hay tin đã lập bàn thờ cúng Bác tại nhà. Thế nhưng bà con Long Đức vẫn ao ước làm sao xây dựng được một ngôi đền dù nhỏ để thờ phượng Người.
Việc xây dựng Đền thờ Bác tại ấp Vĩnh Hội lòng dân – ý Đảng như một. Ban Chỉ đạo quyết định ngày khởi công xây dựng là ngày 10/3/1970, đồng thời thành lập các tiểu ban: bảo vệ, tiếp liệu, trang trí và tổ chức phân công. Toàn bộ công việc xây dựng ngôi đền tiến hành vào ban đêm nhằm hạn chế tối đa sự phát hiện của địch.
Việc xây dựng tiến hành hơn một tháng thì sáng sớm ngày 15/4/1970, địch mở cuộc càn quét vào ấp Vĩnh Hội cho nên công việc xây dựng phải dừng lại, sau ngày 02/9/1971 mới được tiếp tục. Đến ngày 26/01/1971 (nhằm 30 tết xuân Tân Hợi) đông đảo đồng bào, cán bộ chiến sĩ, các tổ chức của thị xã và một số tổ chức đơn vị của tỉnh vui mừng làm lễ khánh thành đền thờ.
Ngày 10 tháng 3 năm 1971, địch mở chiến dịch càn quét vào vùng ven Long Đức. 03 giờ chiều một toán bộ binh tiếp cận được ngôi đền, chúng cho gỡ chông lôi, đốt lũy tre rồi vào đốt ngôi đền. Riêng ảnh Bác thì chúng không đốt mà cho lính mang đi.
Tin ngôi đền bị đốt lan đi nhanh chóng, ngay chiều tối hôm ấy, đông đảo bà con trong xã kéo về tập trung trước sân đền, bên đống tro tàn mọi người nghẹn ngào, phẫn uất. Đồng chí Nguyễn Thị Tiếm, Bí thư Chi đoàn thanh niên xã đã phát động lòng căm thù giặc, mở đợt diệt địch trả thù. Tất cả cùng hứa với nhau quyết tâm dựng lại Đền thờ Bác. Ngay sáng hôm sau, đội quân tóc dài của các mẹ, các chị trong xã kéo vào dinh tỉnh trưởng đấu tranh, buộc tên tỉnh trưởng hứa sẽ “trừng trị” đám lính.
Sau đó, Ban Chỉ đạo xây dựng Đền thờ Bác lần thứ hai hạ quyết tâm đạp mọi trở ngại, vừa đánh địch vừa dựng lại ngôi đền. Vật liệu lại được mọi người đóng góp. Chùa Cao đài ở Vĩnh Yên khéo léo qua mặt địch gởi 70 tấm tole và 50 bao xi măng. Công việc xây dựng được tiến hành khẩn trương và đúng ngày 29 tết năm 1972, Đền thờ Bác xây dựng lần thứ hai hoàn thành trong niềm hân hoan của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân.
Việc bảo vệ Đền thờ lần này được sự chỉ đạo chu đáo của Thị xã ủy Trà Vinh và Chi bộ xã Long Đức, cùng những tấm gương bám trụ kiên cường, gan dạ của các chiến sĩ Đại đội C.67 thị xã. Các chiến sĩ trong tổ bảo vệ đã cùng với phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của quần chúng đẩy lùi nhiều đợt tấn công của Mỹ – Ngụy vào khu vực đền thờ. Ngày 03 tháng 10 năm 1972, địch cho máy bay đến hủy diệt ngôi đền. Ngôi đền trúng đạn bốc cháy, tổ bảo vệ đền thờ do đồng chí Phan Văn Tiềm (Mười Tiềm) làm tổ trưởng đã kịp thời dập tắt ngọn lửa và ngôi đền vẫn đứng vững, hiên ngang cùng những con người của vùng đất thép giữa vòng vây của địch.
Trong quá trình xây dựng, bảo vệ ngôi đền, lực lượng vũ trang và quần chúng nhân dân bằng ba mũi giáp công đã bẻ gãy nhiều trận càn quét của địch vào khu vực đền thờ. Một số đồng chí đã hy sinh tiêu biểu như: liệt sĩ Nguyễn Văn Lượm, du kích xã Long Đức đã diệt tên thiếu tá Đông bằng trái nổ cách đền thờ 120 mét. Đồng chí được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp Quân khu và được tặng danh hiệu chiến sĩ có hành động anh hùng. Liệt sĩ Nguyễn Văn Trị diệt tên Đại úy Quang (Tổng Quang) ác ôn khét tiếng cách Đền thờ 500 mét. Đồng chí được công nhận là chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Đồng chí Phan Văn Tiềm (Mười Tiềm) giết tên trung úy Thao bằng vũ khí tự tạo ngay chân lũy tre bảo vệ ngôi đền. Cùng những mẹ, những chị như: Bùi Thị Chì, Lê Thị Diệm, Hồ Thị Nhẫn, Phan Thị Nhờ, Hồ Thị Vui,… đã đi vào lịch sử của mảnh đất vùng ven kiên cường. Lực lượng vũ trang Long Đức được Hội đồng Nhà nước tuyên dương danh hiệu anh hùng là xã “kiên cường, bám trụ, diệt địch, giữ làng”. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhiều cánh quân khi xuất trận đã về đền thờ viếng Bác, tuyên thệ “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Hòng làm nao núng ý chí tiến công của quân dân ta, chiều ngày 29 tháng 4 năm 1975 trong giờ phút hấp hối địch ngoan cố cho máy bay gồm 03 chiếc trực thăng, một chiếc L.19 đến hủy diệt ngôi đền. Cuộc bắn phá làm hư hỏng một góc ngôi đền, song số phận của bọn Mỹ – Ngụy đến hồi kết thúc – Trà Vinh giải phóng và Đền thờ Bác Hồ cũng được sửa chữa lại.
Sau ngày đất nước thống nhất, Đền thờ Bác không ngừng được tôn tạo thêm lên. Ngày 05 tháng 9 năm 1989, Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia. Theo nguyện vọng của nhân dân, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Cửu Long rồi Trà Vinh đã đầu tư kinh phí để trùng tu, tôn tạo ngôi đền. Các hạng mục như nhà bao che có dạng đóa sen hồng tươi được xây dựng để che mưa, che nắng cho ngôi đền. Nhà trưng bày với nhiều hiện vật, tài liệu giới thiệu về thân thế, sự nghiệp của Bác, về quá trình xây dựng và bảo vệ ngôi đền. Một công viên được quy hoạch có dạng hình một trái tim với diện tích gần 05 héc ta trong đó có ao sen, vườn cây… tạo điều kiện cho mọi người về đây viếng Bác, sinh hoạt vui chơi.
Đặc biệt, năm 2012, theo quy hoạch của hệ thống Bảo tàng Hồ Chí Minh trên cả nước đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng phê chuẩn, phiên bản Nhà sàn Bác Hồ với tỷ lệ 97% so với nguyên bản đã được dựng lên trong khuôn viên di tích. Đây là công trình có ý nghĩa khẳng định giá trị lịch sử của khu di tích Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh Trà Vinh trong hệ thống Bảo tàng Hồ Chí Minh, vừa là điểm nhấn đặc biệt để du khách và quần chúng nhân dân trong vùng đến tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu thân thế, sự nghiệp của Người.
Năm 2017, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã cho làm khối đá quý Đại lam ngọc nặng 15 tấn vận chuyển từ Nghệ An vào Trà Vinh đặt tại Đền thờ Bác để góp phần tôn tạo cảnh quan và linh khí cho ngôi đền, đồng thời thể hiện tình cảm kính yêu, biết ơn vô hạn của nhân dân xứ Nghệ đối với Bác Hồ và thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa Đảng bộ và nhân dân hai tỉnh Nghệ An – Trà Vinh.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước như: đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phạm Hùng, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt, Huỳnh Tấn Phát, Lê Quang Đạo, Trần Đức Lương, Phan Văn Khải, Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Thị Kim Ngân, Nguyễn Xuân Phúc… cũng đã về đây viếng Bác.
Hàng năm, khu di tích đón khoảng 50.000 lượt khách trong nước và quốc tế viếng thăm. Trong các dịp lễ hội, Đảng bộ và quân dân Trà Vinh đều về đây thắp hương tưởng nhớ Bác và báo công lên Người. Dù ở đâu, xa hay gần, trong hay ngoài nước, khi đến viếng Bác tại đền thờ mọi người đều có chung ý nghĩ: “Đền thờ nhỏ mà tấm lòng, ý chí nhân dân Long Đức hết sức lớn. Đi thăm đền tưởng chừng như Cụ Hồ có mặt nơi đây. Mưa nắng có thể lâu ngày làm cho ngôi đền hư hỏng, nhưng tinh thần yêu nước, chiến đấu của đồng bào Long Đức vẫn đời đời sáng chói như mặt trời ở đất này”(3)
“Đền thờ Bác Hồ, biểu tượng bất diệt, tấm lòng sắc son của nhân dân Nam bộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”(4)
(1) Hồ Chí Minh: Miền Nam thành đồng Tổ quốc, NXB Sự thật – 1985 trg 26.
(2) Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
(3) Giáo sư Trần Văn Giàu, lưu bút tại Đền thờ Bác Hồ, ngày 20/01/1987.
(4) Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lưu bút tại Đền thờ Bác Hồ, ngày 11/3/1991.
Di tích Đình miếu Cồn Trứng
Danh mục di tích dự kiến đề nghị xếp hạng cấp quốc gia
Danh mục di tích dự kiến đề nghị xếp hạng cấp tỉnh
Di tích Đình Long Đức (Thành Hoàng Miếu)
ĐỀN THỜ BÁC – DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ CẤP QUỐC GIA
HỘI THẢO HỒ SƠ KHOA HỌC DI TÍCH CHÙA BHIRAMYARÀJA (CHÙA PHI RÙM SÓC)
HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH DÂNG HƯƠNG TƯỞNG NIỆM BÁC HỒ DỊP LỄ 2/9
BAN QUẢN LÝ DI TÍCH TỈNH TRÀ VINH
Địa chỉ: ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
Email: banquanlyditichtravinh@gmail.com
ditichtravinh@gmail.com
Điện thoại: (0294) 3.855 369
Website: https://banquanlyditichtravinh.vn