Số quyết định: 4101/QD-UBND ngày 31/12/2020
Địa chỉ công nhận: Ấp La Bang Chùa, xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh
Loại hình di tích: Di tích lịch sử
Di tích chùa Sôrinriachaprưe còn gọi là chùa Sla Pang, tọa lạc tại ấp La Bang Chùa, xã Đôn Châu, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Chùa Sla Pang được xây dựng năm 1856 theo phật lịch 2399, trong khuôn viên rộng 3 ha.
Giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chùa Sla Pang là một trong các chùa Khmer được đồng chí Đỗ Ngọc Chưởng (Bảy Chưởng) – đảng viên hoạt động tại Cầu Ngang chọn làm nơi thành lập các hội: Hội Đá banh, Hội Truyền bá quốc ngữ, Hội Ái hữu, hội Nhà giàn, Hội Dù kê… để tập hợp lực lượng tuyên truyền cách mạng.
Năm 1947, Pháp chiếm chùa Sla Pang, lấy chính điện làm nơi chỉ huy và thường xuyên đi ruồng bố, cướp phá, đốt nhà dân,… Trước tình hình đó, Huyện ủy kết hợp với Bộ tư lệnh Quân khu 8 và Ban thường vụ Tỉnh ủy Trà Vinh họp bàn kế hoạch mở chiến dịch La Bang. Ủy ban Kháng chiến – Hành chính xã bàn bạc với sư cả các chùa, ông Trầm Quới Hỷ, sư cả Thạch Cao cùng bà con phật tử chùa Sla Pang phải “công đồn đã viện” nên cần hy sinh chùa cũ, xây dựng chùa mới và nhận được đồng thuận. Đúng 23 giờ, ngày 15/12/1948, ta nổ súng tấn công đồn La Bang và đã giành thắng lợi. Đây là trận đánh tạo nên tiếng vang lớn, thắp sáng ngọn lửa cách mạng trong vùng.
Năm 1949, chùa Sla Pang được xây dựng mới, từ đó sư cả Thạch Cao cùng bà con đào hầm bí mật ở phòng sư cả, hầm dưới bàn thờ Phật trong chánh điện làm nơi trú ẩn cho cán bộ ta. Nhà chùa còn vận động phật tử đóng góp của cải vật chất như tiền bạc, lúa gạo nuôi cách mạng.
Những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tình hình ở Đôn Châu trở nên căng thẳng, địch bắt bớ giam cầm nhiều cán bộ, tìm mọi cách cô lập gia đình kháng chiến, chùa Sla Pang tiếp tục vận động bà con phật tử tích cực làm hầm, làm nhà 2 vách, ủng hộ tiền bạc, lúa gạo để nuôi quân kháng chiến. Riêng sư cả Thạch Suône đã hiến tiền bạc, lúa gạo, mâm đồng, lư đồng… để chế tạo vũ khí và đốn hàng chục cây dầu, cây sao để làm áo quan chôn cất liệt sĩ hy sinh.
Thời gian này, Chùa Sla Pang trở thành địa điểm sinh hoạt, hội họp thường xuyên của cán bộ cách mạng xã, huyện và tỉnh. Các vị sư cùng bà con phật tử bất chấp nguy hiểm nuôi chứa, bảo vệ nhiều cán bộ trú ẩn tại chùa an toàn như: Maha Sơn Thông – Nguyên Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc Hội, Thạch Tua (Ba Tưa), Cao Văn Giàu (Sáu Khẩn), Hồng Văn Ngữ (Bảy Ngữ), Nguyễn Văn Sáu (Út Mái), Sơn Thời, Huỳnh Văn Hỏi, Thạch Con, Thạch Nhiệu Nhiêm,…
Ban Quản trị chùa còn hỗ trợ cách mạng soạn thảo ấn phẩm tuyên truyền đem sang chùa Bào Môn in ấn, vận động phật tử đóng góp tiền mua máy phát điện phục vụ cách mạng, tuyên truyền cho phật tử chống lại chính sách ngu dân, âm mưu chia rẽ dân tộc thông qua những buổi thuyết pháp.
Năm 1960, Mặt trận dân tộc giải phóng huyện Trà Cú được thành lập tại chùa Sla Pang. Đến giai đoạn 1967 – 1968, mặc cho địch đóng đồn ở hai bên chùa, sư cả Thạch Suône đã tìm cách đưa đoàn Ánh Bình Minh vào chùa phục vụ và vận động thanh niên đi bộ đội nhằm bổ sung lực lượng cho tiểu đoàn 1, tiểu đoàn 509, tiểu đoàn 512,…
Sau tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân năm 1968, địch tiến hành bắt lính để bổ sung quân, thanh niên trong vùng chạy vào chùa Sla Pang tránh nạn. Địch bao vây chùa bắt 2 cán bộ du kích xã là ông Thạch Sôi, Kiên Xưa cùng 82 sư sãi, thanh niên. Sư cả Thạch Suône tổ chức đoàn kéo lên tỉnh lỵ Vĩnh Bình đấu tranh, yêu cầu tỉnh trưởng là ông Tôn Thất Đông thả người.
Năm 1974, xã Đôn Châu trở thành chiến trường ác liệt của Tiểu đoàn 501 ta với Tiểu đoàn 404 của địch, chúng thả bom càn quét khắp xã nhằm tiêu diệt quân ta, nhân dân quanh vùng tiếp tục vào chùa Sla Pang lánh nạn, dịch thả bom xuống chùa Sla Pang làm hỏng một góc thala, chết 3 phật tử.
Sau ngày đất nước thống nhất, chùa Sla Pang vẫn là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của cả phum sóc. Chùa trở thành nhà trường dạy tiếng Pali cho trẻ em trong vùng. Hằng năm, Ban Quản trị chùa và bà con phật tử đóng góp quỹ an sinh xã hội, tặng quà, sách vở cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Ngày 31/12/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 4101/QĐ-UBND xếp hạng di tích Chùa Sôrinriachaprưe (Chùa Sla Pang) là di tích cấp tỉnh thuộc loại hình di tích lịch sử./.
Di tích Đình miếu Cồn Trứng
Danh mục di tích dự kiến đề nghị xếp hạng cấp quốc gia
Danh mục di tích dự kiến đề nghị xếp hạng cấp tỉnh
Di tích Đình Long Đức (Thành Hoàng Miếu)
ĐỀN THỜ BÁC – DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HOÁ CẤP QUỐC GIA
HỘI THẢO HỒ SƠ KHOA HỌC DI TÍCH CHÙA BHIRAMYARÀJA (CHÙA PHI RÙM SÓC)
HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ TỈNH DÂNG HƯƠNG TƯỞNG NIỆM BÁC HỒ DỊP LỄ 2/9
BAN QUẢN LÝ DI TÍCH TỈNH TRÀ VINH
Địa chỉ: ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
Email: banquanlyditichtravinh@gmail.com
ditichtravinh@gmail.com
Điện thoại: (0294) 3.855 369
Website: https://banquanlyditichtravinh.vn