Số quyết định: Số 201/QĐ-UBND ngày 19/02/2014
Địa chỉ công nhận: Ấp Ngãi Nhì, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
Loại hình di tích: Lịch sử
Di tích Thánh tịnh Thanh Long Tràng Võ tọa lạc cách thị trấn Cầu Kè khoảng 06km về hướng Tây Bắc, cách thành phố Trà Vinh khoảng 50 km về hướng Tây Nam thuộc ấp Ngãi Nhì, xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
Thánh tịnh Thanh Long Tràng Võ được ông Nguyễn Bá Khanh xây dựng vào năm 1930, đến nay, Thánh tịnh đã trải qua 04 đời Ban Đại diện, 01 lần di dời và lần sửa chữa gần đây nhất là năm 2013 có phong cách kiến trúc, thờ tự đặc trưng của đạo Cao Đài gồm: Hiệp Thiên đài, Cửu Trùng đài, Bát Quái đài và nhà Đông, nhà Tây.
Đầu năm 1931, Chi bộ xã Tam Ngãi được thành lập, Chi bộ đã bàn bạc với ông Nguyễn Bá Khanh để chọn Thánh tịnh làm cơ sở hoạt động bí mật của cán bộ cách mạng và làm nơi chứa lương thực phục vụ kháng chiến.
Những ngày cận Cách mạng Tháng 8/1945, tổ chức Thôn bộ Thanh niên Tiền phong Tam Ngãi ra đời do đồng chí Nguyễn Hòa Luông một môn đạo của Thánh tịnh Thanh Long Tràng Võ làm thủ lĩnh đã dựa vào Thánh tịnh để hoạt động.
Ngày 19/8/1945, hơn 300 quần chúng Tam Ngãi do các đồng chí Đào Trí Huệ, Hứa Duy Tân và Nguyễn Hòa Luông dẫn đầu tham gia cuộc biểu tình tuần hành thị uy tiến về huyện lỵ Cầu Kè vào dinh Quận trưởng kêu gọi đầu hàng. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Cầu Kè thành công vào sáng ngày 20/8/1945.
Khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta, được sự phân công của Chi bộ, đồng chí Nguyễn Hòa Luông sang Sóc Trăng mời được một hàng binh Nhật về huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật chiến đấu tự vệ cho xã Tam Ngãi trong đó có nhiều con em là tín đồ của Thánh tịnh Thanh Long Tràng Võ.
Năm 1947, Tam Ngãi thành lập Hội Ủng hộ Bộ đội Issarak trong vùng đồng bào Khmer do đồng chí Thạch Ê làm Hội trưởng. Cùng thời điểm này, đồng chí Nguyễn Hòa Luông được Huyện ủy giao trách nhiệm xây dựng và chỉ huy trung đội Quốc vệ đội huyện Cầu Kè. Do hiểu rõ địa bàn, địa hình trong vùng nên đồng chí đã chọn nơi đây làm căn cứ đứng chân và trú ẩn, hoạt động tại Thánh tịnh Thanh Long Tràng Võ.
Cuối năm 1947, bọn địch huy động hai tiểu đội dưới sự chỉ huy của tên lính Pháp kéo đến phá vỡ công trình “mặt hàn” ngang rạch Cầu Kè. Nhận được tin báo, đồng chí Nguyễn Hòa Luông từ Thánh tịnh Thanh Long Tràng Võ đã tập họp tín đồ, quần chúng nhân dân và di chuyển một tiểu đội Công an xung phong lập trận địa phục kích, tiêu diệt được tên lính Pháp thu 02 súng.
Trong chiến dịch Cầu Kè năm 1949 – 1950, Chi bộ Tam Ngãi được phân công phục vụ dẫn đường, công tác vận chuyển vũ khí, lương thực và đưa thương binh, tử sĩ ra tuyến sau. Trong suốt những ngày diễn ra chiến dịch, Thánh tịnh Thanh Long Tràng Võ đã tích cực vận động tín đồ và nhân dân trong vùng đóng góp lương thực, thực phẩm cung cấp cho ban tiếp tế xã.
Giai đoạn 1954-1959, Thánh tịnh Thanh Long Tràng Võ tiếp tục làm hầm bí mật để nuôi chứa cán bộ cách mạng. Thời gian này, ông Nguyễn Thành Hậu (Chủ thánh tịnh Thanh Long Tràng Võ) với danh nghĩa là người theo đạo, ông tự do đi lại trong lòng địch, trực tiếp theo dõi và thu thập thông tin. Đặc biệt, ông được cử đi làm công tác địch vận trong bót Nhà thờ Bà Mi về cung cấp thông tin cho cán bộ cách mạng.
Từ năm 1962, địch xem việc xây dựng lực lượng vũ trang là biện pháp hàng đầu, tăng cường các hoạt động hành quân càn quét, gom dân để lập ấp chiến lược nhằm cắt đứt mối quan hệ giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Trước tình hình đó, ông Nguyễn Thành Hậu cùng với Họ đạo tiếp tục tổ chức nuôi chứa bảo vệ cán bộ như: đồng chí Nguyễn Thị Út (Út Tịch) – Tiểu đội trưởng Tiểu đội nữ du kích xã; đồng chí Lâm Văn Tịch – chiến sĩ địa phương quân; ông Sơn Sên – nguyên Trưởng ban Binh vận, Ủy viên Mặt trận Cầu Kè; ông Diêu Văn Thêm – Cán bộ cùng nhiều cán bộ cách mạng khác như: ông Nguyễn Phong Đăng, ông Nguyễn Văn Giao, bà Nguyễn Thị Bảy, ông Chín Đông, Tư Tru, Công Khanh…
Giai đoạn 1968-1975, Thánh tịnh Thanh Long Tràng Võ vẫn tiếp tục đào hầm cất giữ lương thực, thuốc men, dụng cụ y tế phục vụ cho cách mạng và nuôi chứa cán bộ cách mạng. Tín đồ Thánh tịnh tham gia đào công sự chiến đấu, chuyển lương, tải đạn phục vụ bộ đội tiến công chi khu Cầu Kè.
Ngày 19/02/2014, Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh ban hành Quyết định số 201/QĐ-UBND xếp hạng Thánh tịnh Thanh Long Tràng Võ là di tích cấp tỉnh thuộc loại hình di tích lịch sử.
Di tích Đình miếu Cồn Trứng
Danh mục di tích dự kiến đề nghị xếp hạng cấp quốc gia
Danh mục di tích dự kiến đề nghị xếp hạng cấp tỉnh
Di tích Đình Long Đức (Thành Hoàng Miếu)
Ban Quản lý di tích tỉnh Trà Vinh thăm, chúc Tết các di tích.
Lãnh đạo tỉnh Trà Vinh viếng Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp Tết Nguyên đán 2025
Ao Bà Om vinh dự lọt top 50 điểm du lịch hấp dẫn TP.HCM và ĐBSCL
BAN QUẢN LÝ DI TÍCH TỈNH TRÀ VINH
Địa chỉ: ấp Vĩnh Hội, xã Long Đức, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.
Email: banquanlyditichtravinh@gmail.com
ditichtravinh@gmail.com
Điện thoại: (0294) 3.855 369
Website: https://banquanlyditichtravinh.vn